4.19.2009

Mì vằn thắn

Nói là phủi bụi cách đây gần 2 tháng, vậy mà bây h mới bắt đầu cầm chổi phất trần lên :">

Lười quá thể là lười!

Thôi hôm nay viết về món mì kỉ niệm sinh nhật 2 năm trước vậy :))

Nhớ lần đầu tiên ăn mì vằn thắn cách đây đã lâu lắm rồi. Lâu đến mức tới khi lớn lên chỉ còn nhớ rằng món đó rất rất ngon và làm hết sức cầu kì chứ không còn nhớ được mùi vị ra sao nữa. Món này là món của người Hoa, theo báo chí thì được dân Quảng Đông mang sang nước ta từ những năm 30. Và cái tên gốc thì thật là mộng mơ, Wanton, nghĩa là "muốt mây". Bọn Tàu khựa này cầu kì từ cả cách chế biến đến cách đặt tên cho món ăn nữa! Mà có lẽ cũng chính vì thế nên mì vằn thắn nấu theo đúng kiểu tàu vẫn là ngon nhất. Lớn lên đã đi ăn ở rất nhiều nơi, thậm chí là trong những tiệm "mì gia" nổi tiếng ở quận 5 Sài Gòn, thế mà vẫn cảm thấy không ai nấu ngon bằng bác hàng xóm hồi còn ở quê nấu cho ăn. Nói thêm, bác ấy đi theo một gia đình người Hoa từ bé nên biết rất nhiều món Hoa, mà bác lại rất khéo tay nữa. Tiếc là giờ thì tất cả những gì còn nhớ được về món mì vằn thắn bác nấu cho chỉ là những viên sủi cảo rất rất ngon...

Lớn lên một chút thì cũng đi ăn nhiều tiệm, nhưng cũng là hồi hai chị em còn bé được bố chở đi ăn. Rồi thì hai chị em lớn lên, to như hai con voi, chẳng thể nào ngồi lên xe để bố chở 3 được nữa. Thế là giã từ món mì vằn thắn từ đây. Những kí ức về món ăn này cũng chỉ dừng lại ở những hoài niệm về một ngày xưa khi hai chị em ta còn bé nhỏ đủ để vòi bố đưa đi ăn sáng. :))

Con người lớn hẳn, phần nữ tính nhỏ nhoi cũng có vẻ phình ra được thêm một chút, bắt đầu thích bếp núc nấu nướng. Sinh nhật 19 tuổi quyết định làm ở nhà, đãi mọi người món mì vằn thắn. Thế là cô nương khăn gói quả mướp sang nhà anh bạn tầm sư học đạo sau khi nghe quảng cáo "mẹ anh nấu mì vằn thắn hơi bị ngon!". Từ đó, bạn đã biết nấu mì. :))



MÌ VẰN THẮN

Nguyên liệu: (ăn bao nhiêu mua bấy nhiêu, ở đây không dùng tôm vì không thích ăn tôm)

- Gan, thịt thăn, nạc vai

- Trứng gà

- Cải xanh, cải cúc, hẹ

- Mộc nhĩ, nấm hương ngâm mềm

- Mì tươi, áo sủi cảo

Cách làm:

- Đun nước dùng. Cho luôn thịt thăn, gan và trứng vào luộc chín. Khi vớt thịt, gan và trứng ra thì cho nấm hương vào đun tiếp. Nêm nếm vừa ăn.

- Nạc vai xay, trộn mộc nhĩ nấm hương, hành khô băm nhỏ, muối tiêu, mắm. Để
ngấm gia vị rồi gói vào bánh áo làm sủi cảo, có thể bỏ thêm vào một con tôm nếu muốn.

- Cắt lát gan và thịt luộc. Trứng cắt tám. Cải xanh, cải cúc, hẹ rửa sạch cắt vừa ăn.

- Khi ăn trần mì, luộc sủi cảo, trần các loại rau. Xếp mì, thịt luộc, gan luộc, sủi cảo, rau, 1/4 quả trứng vào bát rồi chan nước dùng.

Thấy cách nấu quá đơn giản! Đơn giản bởi vì đã... bỏ đi những chi tiết cầu kì! :)) Ví dụ như dùng thịt luộc thay vì thịt xá xíu (cũng là luộc, nhưng là luộc với mắm và đường), không dùng tôm khô đun nước dùng, cũng không dùng tôm để gói sủi cảo. Nhưng có hề gì! Bớt cầu kì đi một chút thôi để người nấu đỡ than ngại mà cả gia đình vẫn có một bữa "đổi món" vui vẻ, nhỉ! ^^

Bàn thêm về cách ăn. Mì vằn thắn tuy rất ngon nhưng cũng rất dễ ngán, dễ đầy bụng. Còn nhớ sinh nhật 2 năm trước, đứa nào đứa nấy ăn xong ngắc ngoải. :)) Cũng tại vì sợi mì tươi làm từ bột và trứng, không dính nước. Đến lúc gặp nước rồi bột mới nở ra, biết mặt nhau! :)) Đến khi vào Sài Gòn, đi ăn mì mới biết người ta còn có món mì khô, vẫn những nguyên liệu như vậy nhưng không chan nước dùng mà ăn với tương đen, tương và tương ớt. Cách ăn này làm cho bát mì đậm đà hơn, cũng không bị ngán và đầy bụng. Bên cạnh bát mì khô lại có bát nước dùng, có lẽ để vị khách nào ăn xong bát mì khô mà chưa cảm thấy no thì húp nốt bát nước cho sợi mì trương lên là vừa. haha. Về nhà này thì do thằng em thích ăn chiên ăn xào nên sủi cảo cũng đem chiên lên, ăn với mì khô. Thơm ngon đáo để!